Cách bảo quản máng cáp để tránh bị han gỉ, trầy xước

30/03/2022

Máng điện là thiết bị, vật tư quan trọng được sử dụng phổ biến trong lắp đặt hệ thống điện cho các công trình. Nó góp phần vào nâng đỡ hệ thống dây cáp và hoàn thiện công trình một cách hoàn hảo.

Việc bảo quản máng cáp điện cũng rất cần thiết bởi công trình thi công thang máng cáp thường kéo dài, nếu không có biện pháp bảo quản sẽ làm han gỉ, trầy xước máng cáp. Vậy cách bảo quản như thế nào nếu phải để máng cáp lâu tại công trình? Cùng tham khảo nội dung ngay trong bài viết này nhé!

1. Những loại thang máng cáp hiện nay

Hiện nay, có 3 loại máng cáp thông dụng được hầu hết các kĩ sư cơ điện, nhà thầu sử dụng: máng cáp sơn tĩnh điện, máng cáp mạ kẽm điện phân và máng cáp mạ kẽm nhúng nóng.

Máng cáp sơn tĩnh điện: Máng cáp sơn tĩnh điện là một trong những loại máng cáp được sử dụng phổ biến nhất nhờ vào tính thẩm mỹ cao. Loại máng cáp này giúp bảo vệ an toàn tuyệt đối cho hệ thống dây điện trong các công trình trong nhà.

Máng cáp mạ kẽm điện phân: Loại máng cáp này có lớp phủ dày với độ bám dính cao. Lớp mạ này không làm mất đi tính chất của vật liệu gốc do quá trình mạ không sử dụng nhiệt độ cao. Theo đó, máng cáp được phủ một lớp kẽm bên ngoài, với độ dày từ 15 – 20 micromet giúp sản phẩm có một lớp bảo vệ bên ngoài chống lại các tác động của môi trường, ngăn sự oxy hóa.

Máng cáp mạ kẽm nhúng nóng: Đây là sản phẩm có độ bền cao, có khả năng chống chịu tốt trước những tác động của môi trường, được ứng dụng trong việc lắp đặt hệ thống máng cáp ngoài trời, những nơi phải chịu nhiều tác động của môi trường như nơi có tính ăn mòn cao, nhà máy hóa chất,…

2. Cách bảo quản máng cáp để tránh han gỉ, trầy xước

Bảo quản máng cáp là điều cần thiết để đem lại hiệu quả tốt nhất trong quá trình lắp đặt và sử dụng. Để tránh cho máng cáp bị han gỉ, trầy xước, gây nguy hiểm cho công trình, chúng ta cần thực hiện theo các biện pháp dưới đây:

- Không nên để máng cáp tại những nơi có chứa các chất ăn mòn kim loại như: axit, muối, bazo,…

- Nếu máng cáp vẫn đang trong quá trình lưu kho, cần đặt sản phẩm ở nơi khô ráo thoáng mát, độ ẩm không khí thấp, che chắn bụi bẩn để lưu được thời gian lâu nhất.

- Máng cáp phải được bọc ni lông để tránh bị trầy xước khi lưu kho hay trong quá trình vận chuyển.

- Không nên đặt máng cáp tại những nơi có nhiệt độ quá cao.

- Không nên đặt máng cáp bị han gỉ cùng với máng cáp không bị han gỉ. Các loại máng cáp bị gỉ phải được xếp riêng và lau chùi sạch sẽ.

- Nếu máng cáp lưu kho ở bên ngoài, nên có dụng cu che chắn.

- Khi vận chuyển, nên chèn máng cáp để tránh trường hợp bị xê dịch dẫn đến méo, xước sản phẩm.

- Khi cần di chuyển, nên dùng xe cẩu, xe nâng hạ để tránh va đập, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

3. Bảo quản máng cáp sau khi lắp đặt

Sau khi đã lắp đặt, bạn cũng cần quan tâm đến vấn đề bảo trì, bảo dưỡng máng điện công nghiệp thường xuyên để đảm bảo hệ thống vận hành bình thường và đem lại hiệu quả tốt nhất.

Kiểm tra thường xuyên

Dưới điều kiện hoạt động bình thường thì việc kiểm tra dựa vào mắt thường cũng được coi là đủ. Việc kiểm tra này được xem tại các điểm kết nối để xem các chi tiết và phụ tùng kết nối còn tốt không, có hoạt động bình thường không.

Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm tra bằng quan sát cũng cần chú ý tới các vết đóng bẩn hoặc các vật thể lạ rơi vào trong máng cáp. Những vật có biểu hiện gây hại cho hệ thống máng cáp cần phải loại bỏ kịp thời để đảm bảo độ bền cho hệ thống.

Ngoài ra, việc kiểm tra này còn cần chú ý đến các dấu hiệu ăn mòn, đặc biệt là tại những chỗ tiếp xúc giữa 2 kim loại khác nhau. Bởi khi hai kim loại không cùng họ tiếp xúc với nhau và có sự tham gia của độ ẩm thì sẽ có một trong hai kim loại bị ăn mòn. Quá trình ăn mòn này diễn ra nhanh chóng và sẽ gây ra những tổn thất đáng kể cho toàn bộ hệ thống nên cần phải tính toán đến và có biện pháp khắc phục kịp thời.

Loại bỏ dây cáp không sử dụng

Những sợi cáp không hoạt động nữa có thể bỏ quên trong thang máng cáp, do đó cần phải kiểm tra để loại bỏ chúng đi, dành chỗ cho những sợi cáp mới trong tương lai và cải thiện thông thoáng cho toàn bộ hệ thống cáp.

Đồng thời, không nên để số lượng dây cáp quá lớn trong thang cáp, trong quá trình làm việc nó có thể sinh ra nhiệt lượng tương đối cao. Dẫn đến cản trở luồng không khí lưu chuyển trong hệ thống, điều này có thể gây ra sự hư hỏng thang máng cáp về lâu dài.

Tiến hành sửa chữa tại chỗ

Để bảo quản máng cáp sau khi lắp đặt, cần phải tiến hành bảo dưỡng theo định kì. Những hư hại có thể hiện diện, ví dụ như bong mối hàn, biến dạng thành máng cáp,…

Tùy theo mức độ hư hại, việc thay thế phần hư hại nên được ưu tiên hơn là sửa chữa để đảm bảo tính vẹn toàn của cụm lắp ráp. Việc sửa chữa và bảo dưỡng cũng nên được tiến hành bởi công ty chuyên nghiệp, tránh sự cố không may xảy ra.

Như vậy với những thông tin trên hy vọng sẽ giúp ích cho bạn về sử dụng và bảo quản máng cáp điện. Cảm ơn bạn đã quan tâm bài viết!

XEM THÊM:

Bình luận (0)

Viết bình luận :